Các biện pháp an toàn khi sử dụng điện cần ghi nhớ

CÔNG TY TNHH KỸ THUẬT CƠ ĐIỆN KHÔI VIỆT PHÁT banner

Hotline: 0934 620 879

Email: khoivietphat@gmail.com

Các biện pháp an toàn khi sử dụng điện cần ghi nhớ
Ngày đăng: 5 tháng trước

     Dù là trong đời sống hay trong các sinh hoạt và công việc hàng ngày thì điện năng chính là một trong những nguồn nhiên liệu không thể thiếu. Tuy là vậy nhưng việc sử dụng điện thiếu hiểu biết và không đúng cách hoàn toàn có thể dẫn đến những rủi ro và tai nạn nguy hiểm, thậm chí là gây thiệt mạng. Bởi vậy, việc đảm bảo an toàn trong bất cứ môi trường nào cũng đều là điều cần thiết.

 

     Tham khảo ngay những biện pháp an toàn khi sử dụng điện theo đúng tiêu chuẩn và các quy định cơ bản cùng chúng tôi qua bài viết dưới đây.

 

 

Lắp đặt thiết bị đóng cắt điện đúng cách

 

     Bất kỳ một thiết bị điện nào thì nguyên tắc an toàn điện đầu tiên luôn cần phải được lưu ý chính là lắp đặt các mạch điện một cách chính xác. Cầu dao hay aptomat luôn phải được đặt ở đầu dây cấp điện chính và các nhánh rẽ.

 

     Bên cạnh đó, cầu chì cũng cần phải được lắp đặt ở trước các ổ cắm điện để ngắt dòng điện khi có chạm chập, hoặc quá tải, ngăn ngừa phát hoả do điện. Thiết bị bảo vệ đóng cắt điện cần được lắp đặt trên dây pha, tốt nhất nên lắp đặt đồng thời cả dây pha và dây trung tính. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn khi có các hiện tượng chập điện xảy ra. 

 

Lựa chọn thiết bị đóng cắt điện phù hợp

 

     Lựa chọn các thiết bị đóng cắt bảo vệ phải phù hợp với công suất sử dụng, có nắp đậy che kín phần mang điện. Nên lắp thêm thiết bị chống rò điện để phòng tránh các sự cố điện nguy hiểm, đặc biệt là những vùng ngập nước.

 

Vị trí lắp đặt cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ điện

 

     Khi sử dụng điện thì vị trí đặt cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm điện phải là nơi cao ráo, đảm bảo thuận tiện khi sử dụng. Đối với những hộ gia đình có trẻ nhỏ hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước cần lưu ý đặt cao hơn nền và sàn nhà ít nhất 1,4 mét. Đồng thời, phải luôn đặt những thiết bị này tại nơi khô ráo, nhiệt độ không quá nóng.

 

 

Giữ khoảng cách an toàn với nguồn điện trong gia đình

 

     Luôn sử dụng các thiết bị bảo hộ như găng tay cách điện hạ thế để đảm bảo an toàn khi có tiếp xúc trực tiếp với các Ổ cắm điện, cầu dao, cầu chì không có nắp đậy, chỗ nối dây, dây điện trần… để không bị giật khi các công cụ này xảy ra các hiện tượng rò điện. 

 

Tránh xa nơi điện thế nguy hiểm

 

     Giữ khoảng cách tiếp xúc xa, an toàn để tránh hiện tượng phóng điện cao áp, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tại những nơi điện cao thế nguy hiểm, cần sử dụng khóa liên động, đèn tín hiệu, biển báo nguy hiểm và hàng rào để đề phòng có người vô ý tiếp xúc.

 

Tránh sử dụng thiết bị điện khi đang sạc

 

     Không vừa sử dụng vừa sạc điện thoại, khi sạc xong thì cần rút ra để tránh cháy nổ đồng thời gây nguy hiểm nếu gia đình nào có trẻ nhỏ khi con bạn vô tình nghịch tới.

 

Sử dụng thiết bị điện chất lượng tốt

 

     Tất cả dây điện sử dụng phải được đặt trong ống cách điện và dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để dây điện không bị quá tải dễ dẫn đến chập cháy. Đồng thời không sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện có chất lượng kém và không đảm bảo về trọng tải.

 

 

Kiểm tra hệ thống đường điện

 

     Trong quá trình sử dụng, cần phải thường xuyên kiểm tra đường dây; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện như: cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm,…; các thiết bị sử dụng điện trong nhà. Bên cạnh đó, tốt nhất hãy ngắt nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện.

 

Bảo hành thiết bị điện định kỳ

 

     Mọi vật dụng sử dụng điện năng đều được khuyến cáo kiểm tra định kỳ thường xuyên. Thời gian kiểm tra định kỳ phụ thuộc vào từng loại thiết bị, chúng thường được lưu ý trước từ nhà sản xuất. Với các thiết bị đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao, bạn không nên tự ý kiểm tra mà hãy tìm đến các chuyên gia để đảm bảo an toàn. 

 

Trang bị bảo hộ đầy đủ

 

     Người lao động cần sử dụng các dụng cụ và phương tiện bảo vệ các nhân viên khi làm việc với các thiết bị điện. Người lao động khi tiếp xúc với hệ thống mạng dây điện, leo trèo cao hoặc trong phòng kín thì ít nhất cần phải có 2 người. Trong đó, 1 người làm việc còn 1 người theo dõi, kiểm tra, chỉ huy toàn bộ công việc. Đây được xem là một trong những biện pháp an toàn điện tối ưu nhất cho mỗi người khi tham gia vào các công việc tiếp xúc trực tiếp với điện năng. 

 

Kỹ thuật viên điện cần được đào tạo bài bản

 

     Đối với nhân viên phụ trách điện cần phải nắm rõ về kỹ thuật điện, các thiết bị, sơ đồ điện và những vị trí, bộ phận nào có thể gây ra nguy hiểm trong quá trình sản xuất; có kiến thức và khả năng ứng dụng các quy phạm về an toàn kỹ thuật điện; biết xử lý tình huống tai nạn điện và cấp cứu người bị điện giật.

 

 

Kiểm tra vận hành đúng quy tắc an toàn điện

 

     Dù là gia đình hay doanh nghiệp cần kiểm tra, kiểm soát vận hành theo đúng các quy tắc an toàn về điện. Đối với các bộ phận, thiết bị của mạng điện, cần phải được che chắn cẩn thận để tránh nguy hiểm khi tiếp xúc.

 

Không lắp đặt tự phát gần công trình lưới điện

 

     Cần tránh đào đất gần móng cột điện có khả năng gây lún, sụt cột. Không nên đắp đất lên cao để tránh làm giảm khoảng cách an toàn từ dây dẫn điện đến mặt đất. 

 

     Tuyệt đối không được lắp đặt ăng-ten, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo, các vật dụng khác tại các vị trí mà khi đổ, rơi sẽ va quệt vào công trình lưới điện. Đồng thời, nghiêm cấm quăng, ném, bắn bất kỳ vật gì lên đường dây điện, vào công trình điện.

 

     Ngoài những biện pháp an toàn khi sử dụng điện ở trên, bạn cũng cần phải tuân theo một số nguyên tắc và quy định của từng môi trường làm việc. An toàn cho bạn cũng chính là an toàn cho những người xung quanh. Vì vậy, hãy luôn đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa trước những nguồn điện năng gây hại.

Chia sẻ:
Zalo
Hotline